Sau nhiều năm phát triển hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt, nay TP HCM mới bắt đầu nghiên cứu xây dựng mạng lưới tuyến một cách chi tiết.
"Trong 35 năm qua, mạng lưới tuyến xe buýt cứ tự phát triển và đi theo kiểu mò mẫm. Ngoài duy nhất Quy hoạch giao thông tổng thể đến năm 2020 do Chính phủ phê duyệt, thành phố chưa có một quy hoạch cụ thể chi tiết nào về mạng lưới tuyến buýt", một thành viên ban xây dựng đề tài Nghiên cứu hoàn thiện phát triển hệ thống xe buýt TP HCM cho biết.
Làm việc sáng nay với Sở Khoa học công nghệ TP HCM, đại diện ban xây dựng đề tài phân tích, hiện hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại TP HCM đang vận hành theo dạng hướng tâm và không có định hướng theo một quy hoạch cụ thể mà chỉ sắp xếp luồng tuyến theo kinh nghiệm. Ví dụ như việc có quá nhiều tuyến tập trung tại trạm trung tâm chợ Bến Thành vừa gây nên cảnh hỗn loạn vừa không hiệu quả.
+
TP HCM cần nhanh chóng xây dựng mạng lưới tuyến xe buýt một cách chi tiết
Ảnh : Kiên Cường
Chủ nhiệm đề tài Phạm Xuân Mai, Trưởng khoa kỹ thuật giao thông trường Đại học Bách Khoa nêu thực trạng: có đến gần 57% tuyến xe buýt hiện nay bị trùng lắp cũng chính là do phát triển mạng lưới tuyến một cách tự do, trong khi ở nước ngoài cao lắm là 30-40%. Hiện thành phố có hơn 3.200 chiếc xe buýt nhưng chỉ 30% dùng hết công suất.
Ngoài ra, việc thiếu trạm trung chuyển (mới có 8/22 trạm được đưa vào sử dụng), không có làn đường riêng, mô hình hợp tác xã chiếm 67% luồng tuyến không còn thích hợp, kết nối với hệ thống metro tương lai như thế nào... cũng là những bài toán nan giải khi phát triển xe buýt thành phố. Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Trung Tính, Trưởng Phòng quản lý vận tải Sở Giao thông vận tải cho rằng, cần phải đặt vấn đề giải quyết mạng lưới hoạt động theo mô hình nào, bố trí phương tiện xe lớn có phù hợp không, cần bao nhiêu trạm trung chuyển... nếu muốn xe buýt phát triển có định hướng. Theo các chuyên gia ngành, không mạng lưới chi tiết, cơ sở hạ tầng chưa hợp lý và đồng bộ, dễ hiểu vì sao người Sài Gòn quay lưng với phương tiện vận tải hành khách duy nhất của thành phố để chọn xe máy tiện lợi hơn. Trước những vấn đề cấp bách trên, nhiều đại biểu đã nêu ra các giải pháp nhằm phát triển hệ thống xe buýt trong tương lai. "Phải phân tích rõ ràng người dân không đi xe buýt là do thói quen hay sự phát triển ồ ạt phương tiện cá nhân, tại sao đối tượng khách đáng lẽ phải đi xe buýt nhiều lại không thấy hưởng ứng", ông Trịnh Văn Chính thuộc Văn phòng dự án metro thắc mắc. Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ TP HCM thì khẳng định, để phát triển xe buýt, trước mắt cần phải tập trung và chỉ quan tâm đến việc xây dựng mạng lưới. Bên cạnh đó là đề ra các giải pháp trước mắt và lâu dài. Kiên quyết hơn, ông Phạm Văn Vạng, Trường Đại học Giao thông vận tải TP HCM, đề nghị: "Tuyến nào hoạt động hiệu quả thấp cần xem xét đóng tuyến luôn".
Các mô hình mạng lưới tuyến xe buýt thường được sử dụng trên thế giới: xuyên tâm, hướng tâm, bàn cờ, tuyến trục tuyến nhánh... Sau khi bàn bạc, nhiều khả năng ban xây dựng đề tài sẽ chọn phương án tuyến trục tuyến nhánh để xây dựng cho hệ thống xe buýt TP HCM. Dự kiến tháng 11 năm nay đề tài sẽ hoàn tất
Theo VN express
Các tin khác :