Xe bus đang trở thành phương tiện đi lại không thể thiếu của người dân, đặc biệt là các bạn sinh viên, đây là lượng hành khách chiếm khá đông trên tổng số hành khách sử dụng buýt là phương tiện đi lại. Bên cạnh những tiện lợi mà xe buýt mang lại thì vẫn còn tồn tại một số hiện tượng, khiến cho việc xây dựng hình ảnh văn hóa xe bus gặp nhiều trở ngại.
Trong bài này, biên tập website nêu ra những điều còn chưa đẹp, chưa đúng được thu thập từ trực quan và trên các trang mạng với mong muốn mỗi hành khách đi xe buýt nhìn nhận lại và hãy là những tuyên truyền viên tích cực nhằm xóa bỏ những hành vi, thói quen xấu khi đi xe buýt. Những hình ảnh không đẹp xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và khách quan, hãy cùng nhau điểm lại để xây dựng xe buýt là phương tiện văn minh, tiện lợi.
Chen lấn xô đẩy khi lên xe buýt: Hiện nay với thực trạng xe buýt có rất đông người sử dụng, vì vậy hiện tượng chen lấn, xô đẩy nhau trên xe buýt có thể dễ dàng bắt gặp nhất là trong những giờ cao điểm. Đây cũng chính là cơ hội để những kẻ móc túi hoành hành. Để giảm thiểu tình trạng này, hành khách nên có ý thức nhường nhịn nhau, nếu hành khách theo thứ tự lần lượt để lên xuống xe, chắc chắn lái xe sẽ dừng đủ thời gian cho tất cả các hành khách có thể lên xuống an toàn.
Không nhường ghế cho người cao tuổi: Mặc dù trên tất cả các xe buýt, bảng nội quy có ghi: Nhường ghế cho người tàn tật, người già, phụ nữ có thai và trẻ em. Tuy nhiên vẫn còn một số người mặc nhiên không chấp hành khuyến cáo này, đáng buồn là trong đó có không ít bạn trẻ. Điều này thể hiện suy nghĩ ích kỷ, thờ ơ với tất cả những người xung quanh. Nếu đặt địa vị là người cao tuổi sống trong gia đình bạn chọn xe buýt là phương tiện hữu ích để đi lại nếu gặp được những hành khách có tấm lòng nhân ái, có lẽ bạn cũng sẽ yên tâm hơn.
Trộm cắp, móc túi: Tình trạng trộm cắp trên xe buýt ngày càng trở thành nỗi lo ngại của nhiều người. Trộm cắp diễn ra dưới nhiều hình thức, móc túi hoặc “xin” trực tiếp. Những đối tượng bị chú ý là sinh viên mang theo nhiều đồ hoặc những người sơ hở, bảo quản đồ đạc không cẩn thận. Để có một chuyến đi an toàn, tất cả các hành khách tự bảo vệ bản thân, chuẩn bị thẻ vé tháng hoặc tiền mua vé trước khi lên xe, không để kẻ gian có cơ hội theo dõi và tiếp cận nơi để tài sản có giá trị, tránh những mất mát đáng tiếc.
Ảnh sưu tập từ trang ANTĐ
Thái độ phục vụ của lái xe, phụ xe: Sắp xếp chỗ ngồi, nhắc nhở hành khách được coi là nhiệm vụ, trách nhiệm của phụ xe. Tuy nhiên một số người thay vì chỉ dẫn, sắp xếp thì lại quát tháo, dọa nạt hành khách. Đây được coi là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ ẩu đả trên xe buýt. Nếu hành khách hợp tác trong việc giữ trật tự, chấp hành nội quy trên xe, đội ngũ lái xe có thái độ lịch sự, văn minh thì chắc chắn không có hiện tượng hành khách tranh luận dẫn đến xô xát ở trên xe. Thêm nữa, hiện tượng phóng nhanh vượt ẩu hoặc tạt đầu xe người đi đường của một số lái xe buýt cũng khiến người dân bức xúc, gây mất an toàn khi tham gia giao thông, nhưng cũng cần nhìn nhận ý thức của bộ phận phương tiện cá nhân trên đường cũng gây cản trở, khó dễ cho xe buýt lưu thông.
Thời gian gần đây, việc tạo dựng văn hóa xe buýt được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Không thể phủ nhận là các đơn vị, cá nhân liên quan cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao trách nhiệm, thái độ và chất lượng dịch vụ để phục vụ hành khách. Tuy nhiên mục tiêu này có thể còn mất nhiều thời gian, bởi việc thay đổi thái độ, nhận thức của nhiều người để từ đó biến thành hành động là điều không hề đơn giản, nhất là những hiện tượng nêu trên có nguyên nhân cả từ chủ quan và khách quan. Mong rằng, chúng ta không chỉ hô khẩu hiệu: "Hãy cùng chung tay xây dựng văn hóa xe buýt" mà biến thành những việc làm cụ thể thiết thực.
Các tin khác :