Ngày 13/11, đoạn cao tốc Cầu Giẽ - Phủ Lý sẽ được thông xe. Một năm nữa toàn tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình sẽ được hoàn thiện, rút ngắn quãng đường từ Hà Nội đi Ninh Bình xuống còn 80 km.
Hiện phần lớn các hạng mục, bao gồm cả hệ thống biển báo, trạm thu phí trên tuyến cao tốc đã hoàn thiện. Nhiều đoạn đường được thảm lớp bê tông nhựa tạo nhám, hai bên có lưới sắt để tránh gia súc lên đường. Dải phân cách giữa đã được trồng cây xanh.
Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC), đoạn đường này sẽ cấm môtô, xe đạp, xe thô sơ, xe quá khổ, quá tải, chỉ cho phép lưu hành các loại ôtô con, xe khách, xe tải, xe container từ 20 đến 40 feet. Phương tiện lưu thông trong giai đoạn đầu với tốc độ không quá 80 km/h trên quy mô 6 làn xe.
Đường cao tốc với 6 làn xe chạy.
Tuyến đường sẽ được quản lý bằng hệ thống giao thông thông minh, có camera trên toàn tuyến, hệ thống đếm xe, đo tốc độ… Tất cả dữ liệu sẽ được đưa về trung tâm điều hành để giám sát. Nếu có xe gặp nạn hay vi phạm tốc độ, cảnh sát giao thông sẽ đến hiện trường xử lý. Ngoài ra, lực lượng cứu hộ, y tế ứng trực 24/24h để đảm bảo an toàn trên tuyến.
VEC đã đưa ra 5 mức phí lưu thông, theo đó mức thu thấp nhất là 30.000 đồng đối với xe con dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn; cao nhất là 140.000 đồng đối với xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe container 40 feet.
Theo ông Tuấn Anh, đơn vị đã có phương án trình Chính phủ mức phí 2.500 đồng trên một km đường, thu phí bằng thẻ từ để hoàn vốn đầu tư. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu sẽ áp dụng mức thu phí lượt với mức thấp nhất là 30.000 đồng. Mức thu này đã được Chính phủ chấp thuận. “Nếu chủ phương tiện cho rằng mức phí cao, không muốn đi trên đường cao tốc thì vẫn có thể đi trên quốc lộ 1A, hai tuyến này song song với nhau”, ông Tuấn Anh nói.
Trạm thu phí.
Cầu Giẽ - Ninh Bình là dự án đầu tiên trên cả nước thí điểm phương thức doanh nghiệp vay vốn đầu tư đường cao tốc, sau đó thu phí để hoàn vốn. Tổng đầu tư của dự án là 8.900 tỷ đồng, trong đó 800 tỷ đồng vốn điều lệ của VEC và 8.174 tỷ vốn trái phiếu công trình do VEC phát hành được Chính phủ bảo lãnh.
Theo lãnh đạo VEC, sau 6 năm thực hiện, dự án mới hoàn thành đoạn tuyến Cầu Giẽ - Phủ Lý dài 23 km. Thời điểm này năm 2012 sẽ hoàn thành toàn tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Khi đó hành trình Hà Nội - Ninh Bình được rút ngắn xuống còn 80 km so với quốc lộ 1A hiện nay và thời gian lưu thông chỉ còn một giờ.
Đoạn quốc lộ 1A từ Hà Nội đến Ninh Bình hiện nay dài khoảng 100 km, tốc độ lưu thông của phương tiện rất chậm, nguy cơ mất an toàn cao.
Theo Vnexpress.net
Các tin khác :