Từ kỳ vọng, thành thất vọng, từ chỗ là “cứu tinh” của giao thông đô thị, xe buýt đã biến thành “hung thần đường phố”.
Điều gì đã khiến những chiếc xe được “ưu ái” đặc biệt này trở thành một loại phương tiện mà bất cứ người tham gia giao thông nào cũng muốn... tránh xa?
Hạ tầng “cản” xe buýt
Một thực tế không thể phủ nhận là thời gian gần đây, người dân đã dần “quen” với xe buýt trong tư cách của một “hung thần đường phố”. Những thông tin như xe buýt cán chết người, xe buýt chèn đè xe máy gây chấn thương, xe buýt phóng nhanh vượt ẩu, xe buýt tạt đầu các phương tiện khác, xe buýt vượt đèn đỏ... không còn “gây sốc” cho người dân.
Trong suy nghĩ của rất nhiều người, lái xe buýt đã trở thành “tội đồ”, người gây ra tất cả những tội lỗi kể trên. Không có tham vọng “giải oan” cho lái xe buýt bởi trước nhất, lỗi vẫn thuộc về người điều khiển phương tiện. Song, thử một lần đi xe buýt với con mắt của một người lái xe, rất có thể bạn sẽ hiểu vì sao xe buýt lại gây mất an toàn đến thế?
Luồn lách giữa những con đường không rộng, liên tục phải vào ra đón trả khách tại các điểm dừng đỗ, lái xe buýt thật khó kiên nhẫn với những người đồng hành “chỉ biết chen và không biết nhường” dù tín hiệu xin vào đã được bật từ rất lâu.
Điểm dừng đã đến, không thể không vào, các lái xe buộc phải “tạt đầu”, “cắt mặt” thậm chí làm đám xe máy loạng choạng phi lên vỉa hè. Sau rất nhiều lần như vậy, gây tai nạn cũng là điều khó tránh. “Nếu em là anh, em sẽ làm thế nào?” - một lái xe buýt đã bất ngờ hỏi tôi như vậy khi đang cố tìm cách len vào điểm đón trả khách trong khi một rừng xe máy nhất quyết không nhường đường.
Rõ ràng, một hệ thống hạ tầng còn nhiều bất cập đã và đang ảnh hưởng lớn đến sự an toàn của xe buýt. Hiện nay, cả thành phố chỉ có duy nhất một hệ thống đường dành riêng cho xe buýt đã xuống cấp rất nhiều. Đáng nói hơn, tất cả các điểm đón trả khách đều không đủ độ an toàn để xe ra vào.
Buộc phải đón, trả khách ngay trên đường giao thông, tai nạn xảy ra cũng là điều dễ hiểu. Đấy là chưa nói đến việc những điểm đón trả khách này cũng đang đối mặt với tình trạng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích. Một con số thống kê gần đây cho thấy, tại Hà Nội, liên tục có khoảng 50 nhà chờ xe buýt trên tổng số hơn 200 nhà chờ thường xuyên bị chiếm dụng bởi xe ôm, hàng quán nước chè, cây cảnh và thậm chí cả đỗ xe ô tô.
Lái xe buýt - “căng như dây đàn”
Giờ hoạt động của xe buýt bắt đầu từ 5h sáng đến 9h tối. Điều này cũng có nghĩa là lái xe buýt sẽ phải bắt đầu ngày làm việc của mình từ khoảng 4 rưỡi sáng và chỉ kết thúc công việc không trước 10h tối. Tất nhiên, thông thường, khoảng thời gian này sẽ được chia làm 2 ca và bình quân mỗi ca sẽ kéo dài 8 tiếng.
Nếu cộng cả thời gian lấy xe, đưa xe đến một trong hai đầu bến lấy khách và trả xe về nơi tập kết, một ngày làm việc của lái xe buýt có thể kéo dài tới hơn 9 tiếng. Theo biểu đồ vận hành, giữa mỗi ca, lái xe buýt thường có khoảng 5 - 10 phút để nghỉ ngơi, thư giãn. Lý thuyết là thế song thực tế lại không phải vậy. Tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đã “hô biến” thời gian nghỉ ngơi giữa 2 lượt chạy xe của các lái xe.
Anh Ngọc Anh, lái xe buýt chạy tuyến Lương Yên - Cầu Giấy cho biết, đường đông thì không còn thời gian để uống nước, hút thuốc chứ nói gì là ăn ca. Và để nghỉ ngơi giữa 2 lượt xe, rất nhiều lái xe buýt đã “tăng tốc, về đích” nhằm bù lại khoảng thời gian bị lấy mất bởi tắc đường. Tai nạn cũng từ đây mà phát sinh.
Cụm từ “xe buýt phóng nhanh vượt ẩu” cũng từ đây mà ra đời. Đây cũng là nguyên nhân lý giải cho việc vì sao lái xe buýt dù không bị phạt khi về chậm, thậm chí còn bị phạt nếu về sớm so với quy định lại vẫn phóng nhanh vượt ẩu.
Ngoài việc phải tính toán, cân đối sao cho đảm bảo lộ trình, thời gian, như trên đã nói, đầu óc của lái xe buýt luôn “căng như dây đàn” để xử lý những tình huống xảy ra trên đường. “Với hệ thống giao thông rối như tơ vò hiện nay, đi xe máy cũng khó chứ chả nói gì xe buýt” - một lái xe bức xúc.
Cũng theo lái xe này, để đảm bảo an toàn giao thông, nhà nước quy định lái xe khách đường dài không được chạy quá 4 tiếng song lái xe buýt thì lại chạy liền 8, 9 tiếng. “Chạy đường dài chắc gì đã căng thẳng bằng chạy nội đô” - anh này bức xúc.
Xin được nhắc lại rằng, khi viết bài này, người viết hoàn toàn không có tham vọng “nói đỡ” hay “giải oan” cho xe buýt bởi sau những vụ tai nạn, một phần lỗi không nhỏ vẫn thuộc về những người lái xe. Tuy nhiên, để xe buýt an toàn hơn, rất cần hơn nữa trách nhiệm của các lực lượng chức năng trong cải thiện hạ tầng, quản lý lộ trình, luồng tuyến, chế độ, giờ giấc làm việc cho lái xe buýt.
Và đương nhiên, xe buýt vẫn sẽ mãi là “hung thần đường phố” nếu những người tham gia giao thông khác chỉ biết kêu ca mà thiếu ý thức và không chịu nhường đường cho loại hình vận tải công cộng đặc biệt quan trọng này.
Báo GTVT
Các tin khác :