Đi trên các tuyến phố Hà Nội bây giờ thấy có nhiều khẩu hiệu cho văn hóa giao thông, thậm chí có tuyến phố, cứ cách một đoạn lại thấy có chiếc cờ đuôi nheo to bằng vải xanh treo dọc các cột điện
Vừa thấy trên phố Thái Hà treo khẩu hiệu: “Tuổi trẻ Thủ đô với văn hóa giao thông”, sang đến phố Phạm Ngọc Thạch lại thấy “Tuổi trẻ Thủ đô xung kích tham gia đảm bảo an toàn giao thông”, hay “Một ý thức giao thông - triệu con người hạnh phúc”... Đi vào các phố lớn gần trung tâm thành phố, các khẩu hiệu kiểu này còn được chăng ngang qua đường, đập ngay vào mắt mọi người như: “Toàn dân hãy tích cực tham gia tháng an toàn giao thông”... Thậm chí nhiều nơi còn có những áp phích lớn để tuyên truyền văn hóa giao thông.
Thế nhưng, nếu hỏi “văn hóa giao thông” là gì? thì mỗi người hiểu theo một kiểu: có người bảo thực hiện tốt luật lệ giao thông là văn hóa giao thông, có người lại bảo nội dung văn hóa giao thông rộng hơn nhiều nội dung luật lệ giao thông, người khác thì nói văn hóa giao thông là cách ứng xử của mọi người khi tham gia giao thông... Thế mới biết, từ khẩu hiệu đến hành động còn có khoảng cách lớn biết chừng nào.
Cách tuyên truyền của chúng ta hiện nay vẫn nặng về khẩu hiệu mà thiếu đi những hướng dẫn cụ thể. Từ khẩu hiệu cần phải được cụ thể hóa bằng những hướng dẫn, nhắc nhở, lưu ý hoặc yêu cầu để người tham gia giao thông làm theo... Chẳng hạn như ở các ngã tư, nơi thường xảy ra ùn tắc giao thông mà một trong những nguyên nhân là người tham gia giao thông chưa có thói quen nhường đường, ai cũng cố chen, cố vượt, đã thế còn nói với nhau những lời lẽ thiếu văn hóa.
Cách tuyên truyền của chúng ta hiện nay vẫn nặng về khẩu hiệu mà thiếu đi những hướng dẫn cụ thể. Từ khẩu hiệu cần phải được cụ thể hóa bằng những hướng dẫn, nhắc nhở, lưu ý hoặc yêu cầu để người tham gia giao thông làm theo... Chẳng hạn như ở các ngã tư, nơi thường xảy ra ùn tắc giao thông mà một trong những nguyên nhân là người tham gia giao thông chưa có thói quen nhường đường, ai cũng cố chen, cố vượt, đã thế còn nói với nhau những lời lẽ thiếu văn hóa.
Nếu như ở các ngã tư đó có một lời nhắc nhở mọi người tự giác nhường nhịn, thân thiện, hòa nhã thì hay biết mấy, hoặc tại các vạch qua đường nên có lời nhắc: nhường đường cho người đi bộ. Trước kia trên xe ôtô khách vẫn có khẩu hiệu “Nhường già, nhường trẻ đẹp đẽ văn minh” . Tuy đó là một phép lịch sự tối thiểu, một cử chỉ văn hóa đời thường nhưng nhiều người đã quên hoặc không ý thức được nên cần phải nhắc lại.
Văn hóa giao thông là một vấn đề lớn, không chỉ tuyên truyền bằng khẩu hiệu mà phải có những nội dung tuyên truyền cụ thể, thiết thực, đặc biệt là ở những điểm “nóng”, những nơi hay xảy ra sự cố, hoặc những chốt giao thông chính cần có những hướng dẫn, nhắc nhở, hoặc những yêu cầu viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và có văn hóa. Có như thế mới tạo được sự đồng thuận cao và biến mọi chủ trương thành hành động có hiệu quả.
( theo laođộng)