Vào khoảng năm 2003 - 2004, loại xe Mercedes – Benz, 80 chỗ được đưa vào sử dụng cho tuyến 22 và tuyến 32. Xe to đẹp, máy lạnh chạy êm, không khác gì phòng lạnh khách sạn. Khi đó nhiều người đi xe buýt đã khấp khởi mừng.
Nhưng bây giờ, mọi thứ đã khác. Xe xuống cấp nhanh chóng. Nền xe bong tróc loang lổ, sàn xe bập bênh, nhiều chỗ bật cả khuy, tay vịn gẫy đổ siêu vẹo, sơn tróc gỉ, nhiều xe cửa kính vỡ rạn chằng chịt.
Hữu Thành, một cựu sinh viên trường ĐH QG Hà Nội đi tuyến xe buýt số 32 nói: “Lâu lắm rồi tôi mới đi xe buýt. Còn nhớ cách đây mấy năm, khi còn là sinh viên, chúng tôi vẫn “tự hào” với các bạn đi xe tuyến khác vì tuyến 32 được trang bị xe hiện đại nhất. Nhưng bây giờ mọi thứ khác quá. Sàn xe đầy bùn đất, dường như lâu lắm rồi không được quét dọn. Điều hoà không biết hỏng hay chưa mà chẳng thấy bật. Nóng bức và khói bụi thế này, thật khổ sở”.
Một lái xe nói: “Mỗi ngày xe chạy bao nhiêu lượt. Lúc nào cũng lèn hàng chục khách thì làm sao mà xe chả xuống cấp. Xe vẫn được bảo dưỡng định kỳ đấy, nhưng chẳng ăn thua”.
Xe buýt thường xuyên bị quá tải vào giờ cao điểm. Sự quá tải này cũng là một nguyên nhân khiến xe xuống cấp nhanh. Thời gian qua, nhiều người đã tìm đến với xe buýt như một giải pháp tiết kiệm chi tiêu nên lượng khách tăng đột biến.
Theo thống kê của Tổng công ty vận tải Hà Nội, hiện nay, bình quân mỗi ngày, xe của công ty vận chuyển trên 1,17 triệu lượt khách. Việc có nhiều người dân sử dụng phương tiện xe buýt là một tín hiệu tốt. Nhưng sự gia tăng về số lượng hành khách lại đang đi cùng với sự xuống cấp đáng báo động cả về chất lượng xe và chất lượng phục vụ.
( theo giadinh.net)