Sau hơn 4 tháng liên ngành CATP và Sở GTVT tổ chức phối hợp triển khai phân luồng chống ùn tắc trên các tuyến phố, nút giao thông trọng điểm, điều dễ nhận thấy là diện mạo của giao thông Thủ đô đã có những thay đổi mang tính đột phá.
Mỗi tháng “xóa” hơn 10 điểm ùn tắc
Trao đổi với PV Báo ANTĐ, ông Hoàng Văn Mạnh -Phó Chánh thanh tra Sở GTVT cho biết: “Biện pháp phân các dòng phương tiện từ một điểm xung đột cục bộ trực tiếp ra xa điểm xung đột đồng thời tăng diện tích lưu thông cho phương tiện như xén hè, mở rộng dải phân cách, tổ chức giao thông quanh các đảo giao thông trên các nút trọng điểm... đã giúp cho nạn ùn tắc giao thông trên một số tuyến đường, nút giao thông cơ bản được giải quyết”. Ví dụ cụ thể được đại diện Thanh tra Sở Giao thông dẫn chứng là tại nút giao thông Trần Duy Hưng-Nguyễn Chí Thanh.
Tại nút giao thông này luôn là điểm “nóng” về tình trạng ùn tắc kéo dài trong nhiều năm qua. Nguyên nhân đây là những tuyến đường huyết mạch, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông rất lớn và xung đột hỗn độn giữa các dòng phương tiện. Để giải quyết tình trạng này, liên ngành CATP và GTVT đã tổ chức triển khai dựng dải phân cách di động ở giữa giải quyết tình trạng xung đột phương tiện tại ngã tư này. Song song với đó là việc mở một loạt các dải phân cách ở hai đầu tuyến đường trên nhằm tạo ra những nút quay đầu cho phương tiện. Biện pháp trên không những đã giải quyết được tình trạng ùn tắc tại ngã tư này mà còn triệt tiêu 6 điểm có nguy cơ ùn tắc trên tuyến đường này.
Nói về sự phối hợp giữa CATP và Sở GTVT trong việc chống ùn tắc, Trung tá Trần Ngọc ánh-Đội Trưởng Đội Tham mưu, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt, CATP đánh giá: “Việc triển khai tổ chức lại giao thông ngay từ những ngày đầu đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo hai ngành CATP và Giao thông Vận tải. Những chuyến đi thị sát trực tiếp tại các nút, tuyến giao thông của Giám đốc CATP cũng như lãnh đạo ngành GTVT đã kịp thời điều chỉnh những vướng mắc và bất hợp lý”. Với sự chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo, sự đồng lòng chung sức của CBCS hai ngành cũng như ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân ngày càng nâng cao nên chỉ trong một thời gian ngắn, 45 điểm ùn tắc trên toàn thành phố đã được giải quyết. Như vậy, tính trung bình mỗi tháng lực lượng liên ngành đã “xóa” hơn 10 điểm ùn tắc.
Cần quy hoạch tổng thể
Những thành công trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc của liên ngành đã được đông đảo người dân Thủ đô và UBND TP cũng như các cấp lãnh đạo đánh giá cao. Tuy nhiên, hiện nay việc phân luồng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi học sinh, sinh viên tựu trường sau kỳ nghỉ hè đồng nghĩa với số lượng người tham gia giao thông trong đó có người đi bộ sẽ rất lớn. Để giải quyết nhu cầu sang đường của người đi bộ, trong thời gian tới, theo ông Hoàng Văn Mạnh thì liên ngành sẽ đẩy mạnh làm các cầu vượt dành cho người đi bộ. Đặc điểm của những cầu vượt này có thể tháo lắp di chuyển dễ dàng và sẽ đảm bảo ATGT cho người đi bộ sang đường. Tuy nhiên, theo đại diện Phòng CSGT đường bộ-đường sắt, tình trạng xe quay đầu để sang đường khi đang lưu thông cũng như những phương tiện cồng kềnh như xe buýt đột ngột chuyển làn dẫn tới nguy cơ gây ùn tắc và TNGT vào giờ cao điểm đang đặt ra cho các cơ quan chức năng yêu cầu điều chỉnh phải hợp lý hơn.
Ngoài những khó khăn trên, hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn rất nhiều tuyến, nút giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc như Trường Chinh, Nguyễn Văn Cừ, Giải Phóng-Pháp Vân... Bên cạnh đó, lực lượng liên ngành cũng đang phải đối mặt với tốc độ gia tăng khủng khiếp của phương tiện cũng như người tham gia giao thông trong khi quỹ đất dành cho giao thông đang trong tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng. Những thách thức trên đặt ra yêu cầu cho các cơ quan chức năng cần phải có một kế hoạch “dài hơi” hơn nữa song song với ý thức tham gia giao thông của người dân cần phải được nâng cao cùng sự quy hoạch cụ thể mang tầm vĩ mô cho giao thông Hà Nội. (theo ANTĐ)