Ngày 3-5, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Trọng Thông cho biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng xe buýt, từ nay đến năm 2015, Tổng công ty sẽ thay thế hơn 400 xe buýt cũ, trung bình mỗi năm đầu tư thay thế từ 100-150 xe.
Những xe buýt bị thay thế là xe cũ đầu tư từ giai đoạn 2002-2005, đã sắp hết "tuổi" phục vụ. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2013-2015, Tổng công ty sẽ nghiên cứu thí điểm loại xe buýt mini 16 chỗ để phát triển các tuyến gom khách từ các ngõ, phố sâu ra các tuyến buýt trên phố chính, đồng thời nghiên cứu tăng cường loại xe buýt chuyên chở học sinh, mở thêm vé tháng chuyên trách phục vụ cán bộ công nhân viên các cơ quan, khu công nghiệp, khu chế xuất…
Trước đó, Tổng Giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cũng cho biết “Hiện nay, vào giờ cao điểm, xe buýt phải “gồng” quá sức, vì bị quá tải từ 140-200% trên một số tuyến trục. Theo khảo sát của chúng tôi, có 42 điểm thường xuyên quá tải. Một xe buýt 80 chỗ phải chở đến 160, thậm chí 200 người. Với lượng khách đông như vậy, chỉ đứng thôi cũng không đủ chỗ”, ông Thường nói. Do vậy,để khắc phục tình trạng này, ông Thường cho biết, Hà Nội và công ty đã xây dựng đề án tăng cường năng lực vận tải của xe buýt thành nhiều giai đoạn đó là xe buýt tiếp cận được tất cả các trung tâm hành chính quận huyện của thành phố và xe buýt tiếp cận đến tất cả các trung tâm liên xã, thị trấn và khu đông dân cư. “Chúng tôi đã chỉ đạo anh em phải kiên nhẫn hơn làm tròn nhiệm vụ được giao, bớt những bức xúc cá nhân để không ảnh hưởng đến hành khách. Bản thân tôi đã trực tiếp ngồi với lái xe trong giờ cao điểm và rất thông cảm với anh em. Họ phải căng thẳng, mệt mỏi để đạp côn, đạp số, nhích từng chút một trên đường. Xe thì chật cứng, phụ xe chịu không thể len tới chỗ khách để thu tiền, xé vé. Cũng vì những áp lực này mà có lúc, có nơi còn xuất hiện hành vi thái độ không tốt của lái phụ xe với hành khách.”, ông Thường nói. Theo TTXVN