Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, cuối năm 2012, các tỉnh thành, trong đó có Hà Nội phải có đề án hạn chế xe cá nhân. Tuy nhiên, xe buýt Hà Nội cũng như ở TPHCM khó đủ sức để gánh vác nhu cầu đi lại của dân thành phố. Hà Nội: Mới gánh được 10%
Cho dù đã có nhiều nỗ lực trong gần 10 năm qua, song xe buýt Hà Nội hiện mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại của người dân. Còn nhiệm vụ nặng nề mà Đề án Phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt vừa được thành phố phê duyệt, thì đến năm 2015 xe buýt sẽ đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại của người dân, vào năm 2020 là 20%. Chất lượng của phương tiện giao thông công cộng luôn là vấn đề người dân quan tâm Hơn nữa, theo đề án trên, trong giai đoạn từ nay đến 2015, Hà Nội vẫn chưa có đường sắt đô thị, tàu điện ngầm nên nếu hạn chế xe cá nhân mà chỉ trông chờ vào xe buýt sẽ rất khó khăn. Đơn cử, với gần 7 triệu dân nhưng hiện Hà Nội mới chỉ có khoảng 1.200 xe buýt hoạt động trên 75 tuyến. Về cơ bản các tuyến buýt đã hình thành nên một mạng lưới song có nhiều địa bàn vẫn trắng xe buýt. “Do đường quá hẹp nên xe buýt không phủ đến một số địa bàn ngay tại các quận nội thành”- đại diện Tổng Cty vận tải Hà Nội cho biết. Thực tế là hầu hết tuyến buýt này đang hoạt động chủ yếu ở các khu vực trung tâm, các tuyến đường lớn, còn các khu vực ngoại thành, đặc biệt là nhiều huyện vừa mở rộng của Hà Nội vẫn còn khan hiếm, thậm chí trắng xe buýt.Theo đại diện Tổng Cty Vận tải Hà Nội năm 2010, sản lượng vận chuyển của Tổng Cty đạt 420 triệu lượt hành khách.Tuy nhiên, có nghịch lý là trong khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao thì xe buýt dường như lại không thể xoay xở trong hạ tầng quá chật chội mà đôi khi còn là nguyên nhân gây ùn tắc. Để đạt được mục tiêu trên, đặc biệt là kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu phải lập đề án hạn chế phương tiện cá nhân tại các thành phố lớn, Sở GTVT Hà Nội đã triển khai nhiều kế hoạch.Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT đầu tiên là việc sắp xếp lại hoạt động của các tuyến buýt, ngoài các tuyến buýt trong nội đô, sắp tới Sở GTVT cũng sẽ đưa thêm 10 tuyến buýt ngoại thành (chủ yếu là các khu vực ở Hà Tây cũ) được hưởng chính sách trợ giá của nhà nước. Vào năm 2015, ngoài phối hợp với thanh tra giao thông, công an thành phố thường xuyên kiểm tra, xử lý và dừng hoạt động các xe vi phạm. Trong lộ trình từ nay đến năm 2015, Sở GTVT sẽ yêu cầu các xe chạy trên đường phải đảm bảo tiêu chuẩn khí thải euro 3 (tiêu chuẩn khí thải sạch châu Âu).Đến thời điểm trên nếu các doanh nghiệp vận tải nào không đáp ứng được yêu cầu này, Sở GTVT sẽ dừng hoạt động các xe không đạt tiêu chuẩn. 90% người dân Hà Nội đang sử dụng phương tiện cá nhân hàng ngày Bên cạnh ưu tiên phát triển hạ tầng cho xe buýt, thành phố cũng cần có cơ chế tài chính phù hợp để tạo động lực, khuyến khích các doanh nghiệp vận tải công cộng đầu tư, đổi mới phương tiện theo dự kiến lên đến hàng ngàn tỷ đồng trong những năm tới. Theo các chuyên gia vận tải, để hạn chế được xe cá nhân nếu chỉ quy hoạch và trông chờ vào xe buýt sẽ rất khó thực hiện. “Đáp ứng được 15 hay 20% thì một mình xe buýt cũng không thể gánh hết nhu cầu đi lại của người dân. Nếu không san sẻ cho các loại hình khách thì chủ trương hạn chế xe cá nhân sẽ rất khó thực hiện”, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nhấn mạnh. Trích Tienphong.vn