Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 2 HĐND TP khoá XIV ngày 14/7, một số đại biểu cho rằng thời gian qua, Thành phố đã và đang đầu tư xây dựng nhiều hầm bộ hành, cầu vượt cho người đi bộ để bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn.
Tuy nhiên, nhiều công trình như: các hầm bộ hành trên đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, nút giao cắt ngã tư Sở; cầu vượt cho người đi bộ trên đường Giảng Võ, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt… chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, gây lãng phí và bức xúc trong nhân dân. Điều này chứng tỏ việc khảo sát nhu cầu trước khi xây dựng chưa kỹ lưỡng.
Giải trình về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cho biết, trên địa bàn Thành phố có 18 cầu đi bộ, đến nay Sở GTVT đã tiếp nhận bàn giao 12 cầu từ Ban Quản lý các dự án trọng điểm Phát triển đô thị Hà Nội sang khai thác, dự kiến sẽ nhận bàn giao để quản lý trong tháng 7/2011. Đối với hầm cho người đi bộ, hiện Thành phố có 25 hầm cho người đi bộ, trong đó, Sở GTVT đang quản lý và tổ chức khai thác 11 hầm; 9 hầm do Ban Quản lý dự án Thăng Long thực hiện; 5 hầm Sở GTVT đã nhận bàn giao nhưng chưa tổ chức khai thác.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi thì về cơ bản việc đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác các cầu cho người đi bộ, các hầm cơ giới và hầm cho người đi bộ đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Số lượng người sử dụng các công trình tăng dần, góp phần giảm được ách tắc giao thông và hạn chế tai nạn giao thông trên các tuyến đường, đồng thời góp phần cải thiện văn hóa giao thông đô thị.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, cầu và hầm cho người đi bộ qua đường còn ít người sử dụng do ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế: vẫn còn tình trạng người dân tùy tiện khi sang đường không sử dụng cầu hoặc hầm cho người đi bộ, gây ách tắc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và mất mỹ quan đô thị, trong khi công tác tuyên truyền hướng dẫn sử dụng cầu, hầm còn quá ít và chế tài xử lý người đi bộ không đúng nơi quy định chưa nghiêm, cơ sở hạ tầng tiếp cận với hầm chưa đồng bộ (như tầu điện, xe buýt, siêu thị, khu vui chơi...) dẫn đến một số hầm đi bộ chưa khai thác sử dụng hết công suất. Trong tương lai, khi mạng lưới giao thông đô thị ngày càng phát triển cùng với tốc độ phát triển đô thị thì việc sử dụng cầu, hầm đi bộ sẽ tăng và là xu hướng tất yếu của đô thị hiện đại và các hầm đi bộ đã, đang và sẽ phát huy tối đa hiệu quả sử dụng.
Để đưa các cầu, hầm này vào sử dụng có hiệu quả, Thành phố đã chỉ đạo Sở GTVT xây dựng các định mức, duy tu, duy trì các đường hầm và cầu đi bộ, đảm bảo luôn sạch, sáng và duy tu thường xuyên tạo thuận lợi cho người đi lại, phối hợp với Công an Thành phố và các ngành liên quan để tăng cường xử lý đối với người tham gia giao thông sang đường không đúng quy định; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động để người tham gia giao thông sử dụng cầu, hầm đi bộ, góp phần phát huy hiệu quả hệ thống cầu, hầm đi bộ.
Theo hanoi.gov.vn
Các tin khác :