Khoảng 1.700 đến 1.800 xe buýt tại TP HCM sẽ được thay mới để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải cao hơn, kích thước phù hợp hơn
Đề án cải tổ toàn diện xe buýt đang được Sở Giao thông soạn thảo trình Ủy ban vào tháng 06/2010.
TP HCM hiện có khoảng 3.200 xe buýt các loại, trong đó có 1.318 xe buýt được thành phố đầu tư từ năm 2003, còn lại là xe của doanh nghiệp, HTX... Tất cả xe buýt này chỉ đạt tiêu chuẩn khí thải cao nhất là Euro 1 (định mức về nồng độ của các lọai khí sinh ra trong quá trình xe hoạt động), chất lượng phương tiện đang dần đi xuống.
"Đến năm 2012-2013, vòng đời của dự án 1.318 xe buýt của TP HCM cũng sẽ kết thúc. Chúng ta phải cần thay đổi một loại xe mới có tiêu chuẩn khí thải cao hơn đạt Euro 3, kích thước xe cũng cần phải xem xét lại cho phù hợp với điều kiện đường tại thành phố", ông Dương Hồng Thanh - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết.
Phát biểu trong chương trình truyền hình "Nói và Làm" - Xe buýt: Thực trạng và Giải pháp sáng nay, ông Thanh khẳng định thành phố cần phải thay mới khoảng 1.700 đến 1.800 xe buýt trong tương lai. Một đề án cải tổ toàn diện hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt cũng đang được Sở soạn thảo để trình Ủy ban vào tháng 6 này.
"Đề án cũng sẽ tính tới việc thay đổi mô hình quản lý hiện nay, doanh nghiệp - HTX nào quản lý yếu kém phải buộc "xem lại mình". Đồng thời đề án cũng đưa ra các hình thức hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư xe buýt", ông Thanh nói.
Không những xe cần thay mới, mô hình quản lý cần tổ chức lại, mà theo các đại biểu, giao thông công cộng bằng xe buýt tại TP HCM cần làm nhiều hơn nữa để kéo người dân "cùng buýt".
"Ngân sách hàng năm trợ giá hàng trăm tỷ nhưng vận chuyển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt mấy năm qua cũng mới chỉ đáp ứng 5-6% nhu cầu đi lại của người dân mà không thể tăng hơn. Vấn đề nằm ở đâu?", đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) TP HCM Trương Trọng Nghĩa chất vấn.
Hình ảnh một cụ già 60-70 tuổi chọn phương tiện di chuyển bằng xe ôm thay vì đi xe buýt là một vi dụ được vị đại biểu này đặt ra khiến nhiều người phải suy nghĩ về chất lượng và "cái nhìn" của người dân đối với phương tiện này.
Mặt khác, chính việc trùng lắp tuyến và hệ thống bến bãi trung chuyển không đáp ứng nhu cầu cũng là một vấn đề được đem ra mổ xẻ sáng nay. "Có những bến có đến 17 chiếc xe đi qua, tỷ lệ trùng lắp đến 56,6%", bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP HCM lưu ý.
Trước thực trạng đó, hàng loạt giải pháp đã được nêu ra để tạo nên bức tranh sáng sủa hơn cho xe buýt Sài Gòn trong những năm tới. "Hiện bến bãi làm chỗ đậu cho xe buýt trên toàn thành phố chỉ có khoảng 30 ha trong khi cần phải có 50 ha. Sở đang rà soát lại quy hoạch để giành đất cho xe buýt", ông Hoàng Tùng, Trưởng phòng quản lý hạ tầng kỹ thuật Sở Quy hoạch kiến trúc TP HCM khẳng định.
Theo bà Thảo, để tiếp tục kéo người dân đến với xe buýt cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về chính sách, bến bãi, xây dựng xe có chất lượng tốt hơn.
Chủ tịch HĐND TP HCM cũng yêu cầu Sở Giao thông sớm hoàn tất đề án cải tổ toàn diện xe buýt trình Ủy ban, để Ủy ban trình HĐND trước tháng 7 năm nay.
Theo VNN
Các tin khác :