Nguyên nhân gia tăng tai nạn và ùn tắc giao thông là do sự "bùng nổ" của phương tiện cơ giới, dẫn đến sự bất cập về cơ sở hạ tầng, về năng lực quản lý và tổ chức giao thông, về ý thức của người tham gia giao thông.
Riêng ý thức của người tham gia giao thông phản ánh rõ hơn trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, khi họ gần như làm chủ trên đường. Qua đó, cũng bộc lộ một số vấn đề đáng quan tâm trong quá trình khắc phục bất cập này.
Ðường vắng, tai nạn tăng gần hai lần
Ngày thường, tai nạn giao thông (TNGT) chủ yếu diễn ra trong bối cảnh ô-tô, xe máy dày đặc trên đường, còn người tham gia giao thông hối hả, vội vàng đi làm, đi học, đưa đón con. Ngược lại, trong những ngày nghỉ Tết, đường vắng vẻ, phần lớn người tham gia giao thông thư thái hơn, không có việc gì hối thúc đến nỗi "phải vắt chân lên cổ". Nguy cơ bớt đi, đáng lẽ tai nạn cũng giảm theo, song thực tế lại tăng rất cao. Số vụ TNGT trung bình một ngày của sáu ngày nghỉ Tết (từ 30 đến mồng 5 Tết) và trung bình một ngày của năm 2009 là: 67,7/35,5; tương tự như thế, số người chết là: 49/32, cao gần hai lần...
Hạn chế về ý thức của người tham gia giao thông là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến số vụ tai nạn và số người chết vì TNGT ngày Tết tăng xấp xỉ hai lần so với ngày thường. Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải: Số vụ TNGT gây chết người liên quan đến xe mô-tô tăng cao, chủ yếu là do không đội mũ bảo hiểm, đèo ba hoặc bốn người; bên cạnh đó là tình trạng uống rượu bia quá mức rồi điều khiển phương tiện vi phạm các quy tắc giao thông gia tăng; trong giao thông đường thủy, vẫn xảy ra một số vụ chìm đò đáng tiếc do chở quá tải hoặc người điều khiển thiếu thành thạo. Ở Bệnh viện Việt - Ðức (Hà Nội), trong ba ngày (từ 30 đến mồng 2 Tết) có 324 người bị TNGT đến cứu chữa, chiếm 80,8% số người nhập viện cấp cứu; riêng ngày mồng 2 Tết, 45/152 người bị tai nạn không đội mũ bảo hiểm...
Khắc phục kiểu chấp hành "đối phó"
Những ngày nghỉ Tết, nhiều con đường trở nên rộng rãi, người đi lại ít nên lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và dân phòng không phải dàn quân để điều hành giao thông, tuần tra kiểm soát đông như ngày thường. Song không ít người không làm chủ bản thân, lại coi bối cảnh nói trên là môi trường "thuận lợi" để "phát huy" kiểu chấp hành "đối phó", chủ quan và buông thả, nên để xảy ra nhiều tai nạn đáng tiếc. Một khi ý thức chấp hành luật giao thông chưa thật sự trở thành thói quen thường trực, thì đây vẫn là một trong những nguy cơ lớn làm gia tăng tai nạn và ùn tắc giao thông...
Ðể nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đòi hỏi một quá trình công phu, bao gồm cả việc khắc phục bất cập về cơ sở hạ tầng và hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông (ATGT). Tuy nhiên, không chờ hội đủ các điều kiện nêu trên, mà ngay từ bây giờ phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật và đặc biệt là văn hóa giao thông, nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh của người tham gia giao thông. Phải làm thật quyết liệt, phối hợp nhiều biện pháp, kết hợp trước mắt và lâu dài, kết hợp giữa giáo dục và cưỡng chế, tạo ra sự chuyển biến thật sự ý thức người tham gia giao thông, nhân tố bảo đảm sự bền vững trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Theo Nhandan
Các tin khác :